Tham gia đánh dẹp khởi nghĩa nông dân Tần_Lương_Ngọc

Năm Sùng Trinh thứ 7 (1634), Trương Hiến Trung vào Xuyên, Tần Lương Ngọc cùng con trai Mã Tường Lân đúng lúc về Xuyên, trước sau giáp kích, đánh bại Trương ở Quỳ Châu (nay là Phụng Tiết), khiến ông ta phải bỏ chạy đến Hồ Quảng.

Năm Sùng Trinh thứ 13 (1640), "Tào Tháo" La Nhữ Tài tiến vào Vu Sơn, Tần Lương Ngọc lĩnh binh đón đánh. La bất ngờ tập kích Quỳ Châu, lại bị bà đuổi đánh. Không lâu sau, Tần Lương Ngọc soái binh đón đánh quân nông dân của La Nhữ Tài ở Mã gia trại, giết kiêu tướng "Đông Sơn hổ" của ông ta, chém được hơn 600 thủ cấp. Bà thừa thắng cùng quân Minh liên tiếp đánh bại quân nông dân ở Đàm gia bình, Tiên Tự lĩnh, cướp đi cờ soái và bắt sống phó thủ lĩnh "Tháp thiên" của La Nhữ Tài. Qua mấy trận đánh, Bạch Can binh giết gần 1 vạn người, bắt được xe cộ lừa ngựa vô số.

Năm Sùng Trinh thứ 14 (1641), đốc sư Dương Tự Xương dồn quân nông dân vào Xuyên, Tứ Xuyên tuần phủ Thiệu Tiệp Xuân chỉ có 2 vạn quân để giữ Trùng Khánh, hoàn toàn dựa vào lão tướng "Thần nỗ tướng" Trương Lệnh và 3 vạn quân Thạch Trụ của Tần Lương Ngọc mới đến Quỳ Châu. Thiệu Tiệp Xuân lệnh cho bà dời đến gần Trùng Khánh, cùng Trương Lệnh đóng quân ở vùng khu cận làm thế ỷ giốc. Không lâu sau, Thiệu lại rút đi 1,5 vạn quân Thạch Trụ, chuyển vào Trùng Khánh, hợp sức với quan quân cố thủ thành trì.

Tần Lương Ngọc biết rằng kế sách này rất sai lầm, nhưng không dám trái lệnh. Khi ấy Miên Châu tri châu Lục Tốn Chi bãi quan về nhà, Thiệu Tiệp Xuân sai ông ta đến kiểm tra doanh lũy; Lục thấy quân đội của bà rất chỉnh tề, lấy làm lạ. Tần Lương Ngọc nhân đó đặt tiệc rượu, bày tỏ với Lục Tốn Chi: "Thiệu công không biết dùng binh. Ông ấy giữ tôi ở gần, mà phái Trương Lệnh giữ một dải Hoàng Nê oa, để mất địa lợi. Quân giặc ngồi cả trên những đỉnh núi Quy, Vu, nhòm xuống doanh lũy của quân ta. Ví như bọn chúng từ trên cao đánh xuống, thừa thế tấn công quân ta, Trương Lệnh ắt thua. Trương Lệnh thua rồi, sẽ đến lượt tôi. Tôi đã thua rồi, còn ai có thể cứu nguy cho Trùng Khánh?" Lục Tốn Chi kinh hãi, hỏi kế, bà đáp: "Lúc này Thiệu công không thể ngồi mà giữ thành, nên ‘tiên phát chế nhân’, cùng quân giặc tranh giành những vị trí hiểm yếu." Lục lập tức quay về báo lại với Thiệu Tiệp Xuân, Thiệu biết sai nhưng không kịp sửa.

Ngày 5 tháng 10, nghĩa quân Trương Hiến Trung trước tiên nhắm vào quân Minh trong Hoàng Nê oa, phát động tấn công ở Thổ Địa lĩnh [10], giết hơn ngàn người. Hôm sau, thủ hạ của Trương là Lý Định Quốc bắn chết "Thần nỗ tướng" Trương Lệnh ngay trong trận, Tần Lương Ngọc đưa quân đến cứu nhưng thất bại. Toàn quân của Trương Lệnh và 3 vạn thủ hạ của Tần Lương Ngọc đều mất sạch, chỉ còn Tần Lương Ngọc một ngựa chạy về Trùng Khánh, bình sinh chưa từng gặp phải thảm bại như lần này.

Kế hoạch vây diệt nghĩa quân của Dương Tự Xương hoàn toàn phá sản, 32 cửa ải trên một dải giao giới 2 tỉnh Xuyên, Ngạc rơi vào tay nghĩa quân, đất Thục đại loạn. Tần Lương Ngọc vẫn không vì tổn thất nặng nề mà nản lòng, nói với Thiệu Tiệp Xuân: "Sự tình nguy cấp, tôi vẫn còn sĩ tốt ở quê nhà, khoảng 2 vạn người. Tôi có thể tự cung ứng có 1 vạn, còn lại thì triều đình cung ứng. Nếu như bố trí thỏa đáng, thì vẫn có thể đối phó với quân giặc." Thiệu Tiệp Xuân không nghe, bà than thở mà trở về. Tình hình Tứ Xuyên trở nên tan nát không thể cứu vãn, không chỉ có nghĩa quân Trương Hiến Trung mà còn có Diêu, Hoàng thập tam gia [11] hoành hành dữ dội, tàn hại nhân dân. Thiệu Tiệp Xuân không lâu sau bị hạ ngục, uống thuốc độc tự sát.